Departure – Câu chuyện về cái chết dẫn đường cho sự sống

Layout 1Tôi bắt đầu viết review vì để cho cảm xúc của mình không bị trôi tuột đi hết mà vẫn còn giữ lại điều gì đó sau khi xem xong một bộ phim. Tôi vẫn đang làm công việc ghi lại cảm xúc đó, nhưng đôi khi khác trước một chút, tôi viết vì duyên. Hôm trước, có người inbox hỏi tôi về Departure, muốn tôi gợi ý cho vài chủ đề cho buổi thoải luận sau khi chiếu bộ phim này. Lúc đó tôi đã muốn xem lại để viết review đầy đủ. Nhưng động lực vẫn chưa đủ lớn, do thời gian đi làm nhiều khiến tôi khá mệt mỏi. Rồi sau đó, một bạn khác lại đề cập đến phim này trên ask.fm của tôi. Vậy là tôi nghĩ, duyên vậy là đủ. Tôi quyết định không đi ra rạp xem Dawn of the planet of the Apes nữa mà ở nhà xem Departure, bộ phim của đạo diễn Nhật  Yôjirô Takita đã vinh dự được giải Oscar phim nước ngoài xuất sắc nhất, nhưng hơn tất cả, đối với tôi, bộ phim đã chiến thắng cảm xúc của người xem, để họ hay tôi là một đại diện, phải xúc động đến nghẹn ngào, phải khóc, phải cười vì cái tình người đầy đặn qua từng khung hình. Continue reading

Phim hay nhớ lại (2)

1. Lady Snowblood (1973) IMDb: 7.7
Country: Japan
Director: Toshiya Fujita

Image

Nếu bạn biết về một Quentin Tarantino, với vỏn vẹn 6 phim nhưng phim nào cũng trở thành hiện tượng và luôn được chờ đợi với sự háo hức cao độ của người hâm mộ điện ảnh. Thì bạn nên biết về cái đã truyền cho ông cảm hứng để tạo nên những Kill Bill, Reservoir Dogs… đó chính là tiệm cho thuê băng đĩa nơi ông làm thêm, và đó là nơi mà những bộ phim theo các thể loại spaghetti western (phim cao bồi mang phong cách Ý), phim băng đảng tội phạm Nhật, phim theo thể loại đầu kiếm (chanbara films)… đã truyền cảm hứng cho Quentin. Lady snowblood là một trong số đó, và đặc biệt phim này là nguồn cảm hứng chính cho Kill Bill, từ cách kể chuyện theo từng chương với các nhan đề làm cả bộ phim như cuốn tiểu thuyết, đến câu chuyện phim.

Câu chuyện kể về một đứa trẻ được sinh ra trong sự thù hận của người mẹ, và sự thù hận trở thành số mệnh biến đứa bé trở thành một sát thủ gọi là Lady Snowblood, tìm giết những kẻ đã sát hại gia đình mẹ mình. Nhân vật Lady Snowblood cho ta nhìn thấy hình ảnh của Oren Ishii trong Kill Bill của Quentin, với một quá khứ đau thương, đã biến cô trở thành một sát thủ máu lạnh, rất nhiều máu trong phim. Nhưng với một bộ phim làm từ năm 70 thì tất nhiên máu đó trông không thật nhưng làm tăng thêm cảm giác về một hiện thực tàn khốc của câu chuyện phim. Mặc dù câu chuyện phim không khó đoán, nhưng có rất nhiều thứ khiến bộ phim trở nên rất đáng xem và hay.

Thứ nhất là cách kể chuyện theo từng chương mà ta đã từng được xem Kill Bill (tớ đoán đa số xem Kill Bill trước khi xem phim này), cái tiêu đề của từng chương cho ta biết nội dung cũng như làm cho khi ta đã xem xong chương đấy thì cái tiêu đề đó thực sự gây cảm xúc hơn. Thứ 2 là cảnh quay đẹp và ấn tượng, cảnh Lady snowblood mặc đồ trắng đi trong tuyết với máu đầy áo, cảnh ở trong tù khi mẹ cô sinh ra cô rồi chết, cảnh trên vách đá nhìn ra biển… Thứ 3 là nhạc, âm nhạc rất hay, một chút nhạc truyền thống Nhật, một chút hiện đại, nhạc nền của phim thực sự rất nhiều cảm xúc, làm cho một câu chuyện đầy bạo lực lại đầy chất thơ và nỗi buồn và gợi nhắc đến Kill Bill nhiều.

Nếu ai là fan của Quentin thì không thể bỏ qua phim này.

2. The Tin Drum (1979) Imdb: 7.6
Đạo diễn: Volker Schlöndorff

Image

Lần này xin giới thiệu với các bạn bộ phim Đức được làm từ năm 1979 dựa theo tiểu thuyết nổi tiếng đã mang đến giải Nobel văn chương cho Gunter Grass: “The Tin Drum” (cái trống thiếc), bản thân bộ phim cũng đoạt được 2 giải thưởng danh giá Cành Cọ Vàng và Oscar cho phim nước ngoài hay nhất. Bộ phim đã từng gây nhiều tranh cãi, từng bị cấm chiếu ở Đức vì nội dung có tính chất khiêu dâm trẻ em, bạn đọc tiếp sẽ hiểu.

Bộ phim kể về cậu bé Oscar, đến năm 3 tuổi quyết định không trở thành người lớn mãi mãi nằm trong lốt cậu bé 3 tuổi để không phải sống trong thế giới người lớn đầy dối trá, lừa lọc. Qua con mắt nhìn của một cậu bé ba tuổi có khả năng hét vỡ kim loại luôn luôn kè kè bên mình cái trống nhỏ đeo trước ngực, bộ phim đã cho thấy một xã hội châu Âu thế kỉ 20 từ trước, trong và sau chiến tranh thế giới thứ 2 đầy những dối lừa về chính trị, sự ma mãnh trong mỗi cá nhân để tổn tại, và những dục vọng dầy rẫy. Cái trống thiếc là một bản ngụ ngôn dài đầy chế giễu như trên một sân khấu hài kịch mà đề tài xã hội được khai thác triệt để, ngay như cái đoạn đầu phim khi ông ngoại của Oscar chạy trốn quân lính chui vào cái váy 4 lớp của bà ngoại Oscar đã báo hiệu tính châm biếm, và hài hước của bộ phim. Gunter Grass hay đạo diễn đã đặt thành phố Danzig nơi Oscar sống, và được miêu tả qua con mắt ranh mãnh của Oscar đầy những dối trá, lừa lọc, những truyện tình trái khoáy và những mảnh đời nực cười.

Oscar với sự gian giảo của mình lấy vỏ bọc của một đứa 3 tuổi để được thương xót, được trở che và để làm những điều mình thích, nó lợi dụng bộ dạnh lùn của mình để tìm lòng thương của người khác, lợi dụng bộ dạng lùn của mình để trốn một cuộc đời đầy bất chắc của người lớn.

Vai diễn Oscar không phải được trao cho một người lùn mà một cậu bé thực sự cậu bé 12 tuổi David Bennent, và cậu bé sẽ làm bạn kinh ngạc vì khả năng diễn xuất, biểu cảm phải nói là kinh khủng, quá đạt và ta như có cảm tưởng đấy chính là Oscar thật, cái bộ dạng của việc lớn chậm của một cậu bé muốn vẻ ngoài của mình mãi mãi là đứa trẻ. Chính vì vậy nên nhiều cảnh trong phim như cảnh, Oscar có vẻ áp mặt vào cơ quan sinh dụng của cô hầu gái Maria, rồi cảnh Oscar bắt gặp bố mình đang làm tình với Maria và cậu ghen rồi nhảy sổ vào đánh bố…. đã khiến cho bộ phim bị nhiều điều tiếng và bị cấm chiếu ở một số nơi.

Nếu bạn đang băn khoăn chọn một bộ phim nghệ thuật, bộ phim sẽ đặt cho bạn nhiều cậu hỏi, nhiều suy nghĩ về xã hội thì đây chính là bộ phim bạn tìm, những cảnh nóng tôi giới thiệu đây một phần vì nó là những cảnh thực sự quan trọng không thể thiếu để bộc lộ bản chất xã hội lúc đấy, một phần cũng là vì muốn các bạn có độc lực hơn để tìm down và xem bộ phim tuyệt vời này, bộ phim mà tình cờ tôi xem ở thư viện điện ảnh của TPD, và thực sự ấn tượng, ấn tượng ngang với tiểu thuyết (đoạn kết không giống nhau).