Before Midnight – Khi cuộc tình biến họ thành gia đình

Before-Midnight-3 (1)Cả hai phim trước tôi đều không xem rạp, và không có trải nghiệm nó cùng tình yêu của mình, tại thời điểm đó tôi không yêu ai, tôi vẫn đang mải đi tìm một cô gái kiểu như Celine, thông minh, hóm hỉnh, mạnh mẽ và yếu đuối, thích đọc sách và thích nói chuyện triết lý về cuộc sống. Tôi không dám nghĩ mình bằng một phần Jesse ở khía cạnh hài hước và khả năng tán gái, nhưng tôi vẫn muốn được như Jesse, gặp một Celine như vậy. Tất nhiên, Celine rốt cuộc chỉ là một tham chiếu cho tôi khi tôi nhìn vào một người phụ nữ, cũng giống như Clementine là người mà tôi cho rằng phụ nữ nhất trong những người phụ nữ, đáng thương và đáng được yêu vô cùng. Phụ nữ họ đều vậy cả, đều phũ phàng nhưng lại mỏng manh, đều vui vẻ nhưng nhanh buồn bã, đều sống hết mình bằng cảm tính nhưng đôi khi lại để lý trí mình lấn lướt quá mạnh. Lần này thì khác, tôi được đi xem rạp, từ khá sớm, tôi không còn đi tìm một hình mẫu như Celine sau nhiều biến cố của đời sống tình cảm, tôi chỉ nghĩ đơn giản về một ai đó, tôi sẽ lại để mình rơi xuống vực thẳm, lại chấp chới trong vòng lặp của tình yêu, vậy thôi, nên tôi xem phần 3 với một sự hạnh phúc kì lạ khi nhìn thấy họ, Celine và Jesse như vậy, vì họ tìm thấy nhau, họ bên nhau như thể là một điều hiển nhiên mà người ta sẽ khó chập nhận khi họ đã có một đêm tuyệt như vậy ở Vienne, một ngày tuyệt như vậy ở Paris, vậy mà họ lại để lạc mất nhau nữa thì số phận phải chăng đã quá nghiệt ngã. Nhưng đây là phim, một dạng “tiểu thuyết” kể bằng hình ảnh, số phận của họ không nằm trong tay Chúa, mà nằm trong tay của Richard Linklater. Vậy xem xem số phận họ ra sao?

………………………………………………………………………………………………..

Có lẽ bộ ba phim Before (Before sunrise – 1995, before sunset – 2004, before midnight – 2013) là trường hợp duy nhất trong lịch sử khi khoảnh cách thời gian giữa các tập phim, cũng chính là khoảng cách thời gian mà nhân vật trong phim phát triển. Khởi đầu là Before Sunrise vào năm 1995 trên một chuyến tàu tốc hành, Jesse (Ethan Hawke) và Celine (Julie Delpy) gặp nhau, vì cái duyên ăn nói của Jesse, vì trải nghiệm của tuổi trẻ chưa nhiều ràng buộc, họ đã cùng nhau xuống thành phố Vienna, và trong suốt quãng thời gian từ khi xuống thành phố Viên lúc xế chiều đến gần sáng, họ đã đi dạo với nhau, nói chuyện như những người bạn tâm giao, để rồi họ cảm mến nhau lúc nào không biết bằng nụ hôn từ biệt có hẹn gặp lại vào năm sau khi sáng sớm. Tuy nhiên năm sau họ không gặp nhau vì nhiều lý do, mà phải chín năm sau vào năm 2004, tại phần phim Before Sunset, họ tình cờ gặp lại nhau ở Paris, khi Jesse đã có vợ, anh đang là một nhà văn nổi tiếng đến Paris để giới thiệu sách của mình, Celine vẫn chưa kết hôn. Sự tình cờ tại một thành phố lãng mạn như Paris, trên con tàu du lịch dọc sông Seine họ nói chuyện với nhau vẫn đầy hào hứng và trí tuệ nhưng rất đời thường về tình yêu về cuộc sống cho đến khi mặt trời lặn, ai phải trở về với cuộc sống của mình. Đạo diễn Richard Linklater lại để cho người ta cảm thấy hụt hẫng không thỏa đáng về tương lai của hai người, hai tâm hồn hợp nhau đến vậy, nói những câu chuyện thú vị đến mức chỉ có hai nhân vật họ trong cả bộ phim mà vẫn quyến hút người xem đến từng phút một, họ có đến với nhau, họ có yêu nhau, có cưới nhau… Cho đến tận 2013, họ đã già thêm 9 tuổi, người yêu bộ phim đã đợi chờ 9 năm để được biết kết cục của họ, kết cục đến trong bộ phim Before Midnight. Bối cảnh tại Hy Lạp, những ngày hè tuyệt đẹp tại một thành phố thơ mộng. Họ đã như thế nào.

Cảnh quay bắt đầu ở sân bay Hy Lạp, Jesse – một nhà văn vẫn nói nhiều vậy, vẫn cái nét duyên trong nụ cười đã nhuốm màu bạc của râu và tóc cùng đứa con trai đã lớn. Anh đang tiễn con ra sân bay về Mỹ, qua câu chuyện của hai bố con Jesse cho ta thấy anh đã ly dị vợ ở Mỹ, và không có quyền nuôi con trai. Con trai anh khuất dân trong phòng đợi, anh quay ra xe oto của mình, máy quay để lộ khuôn mặt Celine đang ngồi ở ghế trước, rồi lia dần, máy quay để cho ta thấy hai cô con gái tóc vàng sinh đôi vô cùng đáng yêu đang say ngủ ở ghế sau. Vậy là họ đã cưới nhau, có hai con gái, họ đang đi nghỉ ở Hy Lạp. Họ, hai kẻ đã vừa có duyên vừa vô duyên đã đến với nhau như một điều tất yếu của duyên mệnh, khi mỗi lần họ gặp nhau họ lại thú vị và hạnh phúc đến vậy.

Bộ phim đã không còn gói gọn vào hai nhân vật chính nữa, giữa họ đã có những người bạn Hy Lạp đầy nhiệt tình và vui tính, 2 cô con gái xinh đẹp. Dễ hiểu thôi, họ bây giờ đã là một, một gia đình, gia đình có những người bạn chung, những đứa con và những câu chuyện vụn vặt về đời sống đầy lo toan và dễ gây nghi ngại. Vẫn là những câu chuyện đầy thú vị, hài hước của hai người, hay giữa Jesse và bạn bè, sự thông minh, dí dỏm không thể mất đi qua tuổi tác, nó chỉ tích lũy và chuyển trạng thái. Họ không còn nói những câu chuyện về văn chương, triết học, hay những giá trị thường nhật của đời sống như những phần trước, câu chuyện của họ quay quanh những chuyện rất đời thường, về đời sống vợ chồng, về giới tính, những sự đùa bỡn về dục tính luôn tạo một cảm giác thoải mái và gần gũi hơn rất nhiều giữa bạn bè. Tuy nhiên, khi đã ràng buộc nhau bằng một “hợp đồng” hôn nhân, dường như bất kì ai cũng gặp những trục trặc khi tiệm cận vào những vấn đề riêng của từng người. Họ phải chiến đấu với những vấn đề gia đình để còn tiếp tục ở bên nhau. Đó chính là cái khiến bộ phim này trở nên đặc biệt hơn hai bộ phim kia. Không còn là hai kẻ mơ mộng, họ chỉ đơn giản là vợ chồng với hoàn cảnh là người chồng đã từng có vợ, có con riêng với người vợ đó và không thể gặp đứa con thường xuyên do khoảng cách về địa lý quá xa.

Có những lúc xung đột tưởng như không thể tháo gỡ được, nhưng Jesse là một nhà văn, lại yêu và hiểu vợ mình hết mực, nên khi chuyện của họ đứng bên bờ vực thẳm thì anh vẫn có cách kéo nó lại. Celine nhìn mặt trời đang lặn dần sau rặng núi, hai người ngồi im lặng tại một quán cafe bên hồ đầy lãng mạn mắt chăm chú nhìn về phía xa, họ cùng nhìn về một hướng. Celine mắt nhìn mặt trời lặn và miệng nói “Vẫn còn đó”, ” Vẫn còn đó” cho đến khi mặt trời khuất hẳn. Họ thật đẹp, họ đẹp trong chuyện tình của họ, họ đẹp trong cách nói năng vừa thông minh vừa bỗ bã, họ đẹp khi họ buồn vì những tranh cãi đến từ những vẫn đề vô cùng nhỏ như mọi đôi vợ chồng trên đời. Họ đẹp ngay cả khi anh Jesse kéo áo và hôn nên ngực vợ, cái điều giản dị, bình thường không gợi dục nhất mà một cảnh phim liên quan đến tình dục có thể mang lại, nó như muốn nói rằng, đàn ông thì chẳng bao giờ lớn, lúc nào cũng rúc vào bầu vú khi nhỏ là của mẹ, và khi lớn là của vợ để tìm hơi ấm cho cuộc đời mình.

Hy Lạp những ngày hè nắng rực rỡ, biển Địa Trung Hải xanh ngắt và lấp lánh, những câu chuyện của những người từng trải, thông minh và hài hước. Tình dục, mối tình đầu, cãi nhau chuyện vợ chồng… tất cả quyện vào giống một tác phẩm mà mỗi gia đình trên đời đều có thể viết ra, mỗi một cặp đôi yêu nhau lấy nhau đều sẽ thể hiện như vậy, chỉ là dưới những khía cạnh thú vị có lẽ không giống. Jesse và Celine chỉ là sự điển hình hóa đầy tinh tế của Richard Linklater khi phản chiếu cuộc sống của mỗi gia đình trên trái đất này.

Một câu chuyện thú vị đến kinh ngạc kéo dài suốt 18 năm, ngồi bút vô cùng xuất sắc của Richard Linklater đã khiến cho người ta mê mẩn vì chữ duyên của hai kẻ cách nhau hàng nghìn cây số (một người ở Mỹ và một người ở Pháp), mọi ranh giới dường như bị xóa nhòa trong tình yêu, văn hóa, ngôn ngữ, tính cách… họ yêu nhau nên mọi thứ trở nên mờ nhạt ngoài những nụ cười vô cùng quyến rũ của họ và giọng nói vô cùng hóm hình và thông minh. RIchard Linklater không cầu kì trong những góc quay của mình, vì câu chuyện quá hấp dẫn, thời thoại quá thú vị và hai diễn viên quá duyên dáng đến nỗi mọi thứ nhào đi, dù là Paris, hay Vienna hay Hy Lạp thì tất cả đều nhèo đi trong sự xuất hiện của hai người. Tôi không biết liệu 9 năm nữa, Richard Linklater có gây tiếp bất ngờ bằng một bộ phim nối dài tiếp câu chuyện của hai anh chị hay không? Nhưng tôi thiết nghĩ, Richard Linklater đã cho người xem một trải nghiệm tuyệt vời, cùng với thời gian, con người có thể già đi, nhưng tình yêu thì mãi mãi không đổi nếu họ đến với nhau từ sự tình cờ như sự định sẵn của số mệnh. Một bộ phim đáng xem, cả ba phần đều vô cùng đáng xem, đáng xem không phải vì câu chuyện tuyệt vời, mà đáng xem vì khi xem nó bạn sẽ hiểu rằng không cần phải có nhiều nhân vật, nhiều những bất ngờ mới có thể kéo bạn ngồi hết một bộ phim dài, xem để thấy rằng chỉ cần hai nhân vật chính, với sự thông minh, hài hước và đáng yêu họ đủ sức kéo chúng ta – người xem ngồi thưởng thức từng phút một, không chỉ trong một bộ phim, mà trong cả 18 năm chờ đơi.

Tạp chí truyền hình số VTC kỳ 1 tháng 10.

2 Comments

  1. Pingback: Giới thiệu phim hay của năm 2013 | La Larme

Leave a comment