The Painted Veil – Tình yêu: trừng phạt và tha thứ

Layout 1Có một cô gái hỏi tôi rằng “Mất bao lâu để hiểu hết con người anh”, tôi bảo rằng “đôi khi em chỉ cần mất 1 tuần, đôi khi cả năm đôi khi em phải đi bên anh cả đời mới hiểu được”. Cũng như để tôi hiểu lại em, tôi cũng cần chừng đó thời gian. Chính vì vậy mà câu “đôi khi khoảng cách giữa hai con người là chuyến hành trình vĩ đại nhất” dành cho bộ phim The Painted Veil (John Curran, 2006) thật hay và đúng. Vì để đi hết hành trình đó, hai con người đến được với nhau ở điểm cuối cùng phải thực sự dũng cảm, thấu hiểu, chấp nhân và tha thứ, nếu không hành trình đó sẽ không bao giờ hoàn tất, để rồi chúng ta chưa kịp chạm vào nhau bằng thứ tình yêu được vun đắp đầy mãnh liệt, mỗi người đã rẽ hướng đi tìm hành trình khác trong cuộc đời mình.

Dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mỹ Sommerset Maugham, The Painted Veil kể về chuyến hành trình vĩ đại của cô gái kiêu kì, mê tiền, ích kỉ Kitty Fane (Naomi Watts) tìm kiếm tình yêu của mình với người chồng tận tâm với công việc,nhạt nhẽo, đơn điệu nhà vi khuẩn học Walter Fane (Edward Norton). Liệu cuối cùng cô có tìm thấy tình yêu ở bên trong tâm hồn mình không? Hay rốt cuộc hành trình đó, chỉ có Walter Fane là thực yêu một mối tình đơn phương vô vọng nhưng hằn học và thiếu vị tha?

Khung cảnh phim mở ra là một con đường miền núi heo hút, nơi có hai người một nam một nữ đang đứng, mỗi người nhìn về một hướng, mỗi người mang một tâm trạng riêng, không thể không nghĩ họ là vợ chồng, nhưng không thể hiểu cách họ đang thể hiện mình là vợ chồng của nhau. Những cảnh quay ngược hồi tưởng về quá khứ tiết lộ dần cho ta biết họ là ai, họ đến với nhau như nào. Kitty chỉ đang muốn thoát khỏi mẹ mình, cô đã chấp nhận lời cầu hôn vội vàng mà không có chút tình cảm nào với bác sĩ Fane, người đã yêu cô ngay từ cái nhìn đầu tiên. ích kỉ, nông cạn, Kitty làm vợ và đi cùng chồng đến Thượng Hải nơi anh được cử đến làm việc. Thiếu tình yêu, cộng với một người chồng quá ham việc, cô lao vào ngoại tình với phó lãnh sự quán Anh tại Thượng Hải Charles Townsend (Liev Schreiber), nhưng sớm nhận ra Townsend chỉ muốn chơi bời chứ không hề có ý định nghiêm túc. Walter phát hiện ra nhưng anh không nói gì, cho đến khi anh quyết định đến một ngôi làng đang bị dịch thổ tả hoành hành, anh bắt cô phải đi cùng như để trừng phạt cho sự thiếu chung thủy của Kitty. Quá thất vọng vì thái độ của Townsend, Kitty đồng ý. Chúng ta quay trở lại cảnh đầu phim, hiện tại bắt đầu, những cảnh quay về quá khứ được bỏ lại phía sau. Từ đây hành trình của một người chồng lao tâm khổ tứ cứu người, và một người vợ vốn chưa bao giờ chịu khổ, sống giữa nỗi sợ hãi về bệnh tật, sự vô vọng tìm được tiếng nói chung với Walter và nỗi dày xé mong muốn liên lạc với gã người tình đang ở Thượng Hải.

Lấy bệnh dịch làm dây dẫn câu chuyện, ngôi làng ở Trung Quốc hiện ra rất đẹp với đầy nét tự nhiên và chất phác. ở đó có những người phương Tây đang truyền đạo, cứu giúp người dân khốn khổ vì bệnh dịch, ở đó cũng có những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan muốn đuổi hết những người ngoại quốc ra khỏi đất của mình. Trong sự hỗn loạn của con người, cũng như êm đềm của cảnh vật, là một mối tình đầy bi hài của đôi vợ chồng đã không thực sự hiểu nhau ngay từ đầu. Một người trừng phạt và một kẻ bị trừng phạt, cả hai dường như thực sự thảm hại trong tình yêu. Họ buộc phải ở bên nhau, dù muốn hay không cũng không thể xa nhau. Walter vì quá yêu mà cho cô một cơ hội thứ hai, nhưng không phải cứ cho cơ hội là anh sẽ tha thứ ngay và trở lại bình thường. Ngoại tình luôn là một tội lỗi rất lớn, nhưng lại là một lỗi không ít gặp trong nhiều gia đình trên đời này. Không phải ai cũng sẵn sàng tha thứ nếu vụ ngoại tình đó bị lộ. Nhưng không phải ai cũng lấy người không yêu mình như Walter. Sự thông cảm dành cho Kitty trong tình huống này không phải không có, cô chỉ là một người phụ nữ nông cạn và ích kỉ, đồng ý lấy người mà mình không yêu vì những lý do cá nhân nên hành động của cô trong sự bất lực của Walter là dễ hiểu. 

Nhưng hành động của Walter càng dễ hiểu hơn, anh quá yêu nên nỗi đau càng lớn. Chỉ có điều một tâm hồn hết mình vì công việc, cộng động như anh thiếu khả năng bộc lộ cảm xúc. Người ta chỉ nhân ra anh và vợ có vấn đề vì anh chẳng bao giờ nhìn thẳng vào Kitty, lúc nào cũng nhìn lên trời, xuống đất, nhìn đi đâu đó để tránh ánh mắt buồn bực của cô. Anh không dám hoặc anh tránh mọi cuộc tranh cãi, anh bỏ mặc cô một cách vô tâm nhất có thể. Anh lao vào công việc, đẩy mình vào nguy hiểm, tôi nghĩ, đó không chỉ vì sự tâm huyết đó còn là để tránh phải đối diện với sự thật vợ mình ngủ với người khác.

Cách dẫn nhập của phim thực sự tuyệt vời, vì hình ảnh bên nhau nhưng cô lập nhau trong sự im lặng bất tận, rồi cô lập nhau trong guồng quay đầy chết chóc của bệnh tật vô cùng ấn tượng và gây cảm giác sâu sắc về khoảng cách giữa hai người. Nó là khoảng cách vô hình của một chiều dài vô cùng lớn, Tình yêu chứa trong sự giận dữ, tình yêu trong dây dẫn một chiều, hai con người đó dường như không thể tiệm cận nhau nếu không muốn nói không thể hôn nhau. Không ai đáng trách chỉ có sự vô duyên khiến khoảng cách giữa họ thật quá lớn. Kitty chạy tới chạy lui, đơn độc và buồn chán, ngày tháng trôi qua đơn điệu như một cô gái bị trói vào cái cây và ngồi nhìn dòng chảy của con thác trước mặt mà không thể chạm vào nó, cô loay hoay tìm việc gì đó làm để thoát khỏi sự buồn chán, để rồi nhận ra được những giá trị thực sự của cuộc sống, tìm được con đường để rút ngắn khoảng cách của hai người.

Tình yêu luôn cần thử thách, có những thử thách đến trước khi họ quyết định gắn với nhau, có những thứ thách được tạo ra sau những quyết định vội vàng và đầy ích kỉ, dù cho thử thách được tạo thành tại thời điểm nào thì ta đều cần phải thấu hiểu và tha thứ, nếu không có hai điều đó, chúng ta dù có là vợ chồng thì nó cũng chỉ là những chữ kí vô nghĩa trên giấy tờ, mà không có giá trị tự thân của sự gắn kết và cùng nhau già đi và cùng nhau vượt qua sự khốn khổ của cuộc đời.

Tùy theo đánh giá của mỗi người mà cái kết mang lại cho ta cảm giác về sự quá muộn hay đúng lúc có đáng để buồn hay trong nỗi buồn có những niềm vui kì lạ của hành trình sống mà ta không thể cắt nghĩa. Tôi thích Naomi Watts nhất trong hình dạng của Kitty, ở đó cô thể hiện mình là một người phụ nữ ích kỉ kiêu kì, nông cạn và hẹp hòi, nhưng khi nhận ra sai lầm của mình, khi nhận ra đời mình mắc kẹt tại một nơi không biết sống chết đến vào lúc nào, cô luôn cố gắng tìm cách tìm con đường để đến với bác sĩ Walter, để rồi cô hiểu người đàn ông đã và luôn yêu cô, hiểu bản thân mình và hiểu giá trị cuộc sống hơn. Edward Norton là một diễn viên tuyệt vời, anh luôn xuất sắc trong rất nhiều vai diễn, cái khuôn mặt lạnh lùng, ít cười, nhưng đôi mắt luôn thể hiện sự cô độc và cố gắng khiến anh thực sự vừa đáng trọng vừa đáng thương. Họ là một cặp đôi đầy bi hài, một ví dụ vô cùng hoàn chỉnh cho việc thể hiện khoảng cách của hai người để đến được với nhau quả là một dụng công kì diệu trong một chuyến du hành kì thú, mà bối cảnh quá đẹp của Trung Quốc thực sự tạo nên rất nhiều chất thơ, chất nhạc, sự cô đơn, tình yêu và cả cái chết.

Rồi em hỏi tôi “Liệu anh có lấy một người anh không yêu không?”, tôi nghĩ rằng câu trả lời không phải là Không, câu trả lời là, hãy chịu trách nhiệm về việc mình đã làm, và chịu trách nhiệm với quyết định mình đã hoặc hèn nhát hoặc dũng cảm đưa ra.

10 Comments

  1. Mình không thích cách yêu của bác sĩ Walter. Đối với bản thân mình – yêu luôn đi kèm được yêu. Sự cho và nhận có hai chiều. Nếu chỉ từ một phía, đó gọi là sự ngốc nghếch.
    Trong tình yêu thì ít nhiều luôn có sự ngốc nghếch như chỉ nên một mức độ và giới hạn nào đó.

    • Mình hy vọng bạn còn rất trẻ, và vì bạn có rất nhiều thời gian, nên mình mong một điều “không tốt” đến với bạn, bạn sẽ yêu đơn phương một ai đó. Khi đó, bạn sẽ hiểu tình yêu không phải thứ có thể đặt điều kiện hai chiều, và mình không gọi đơn phương là ngốc nghếch, tình yêu mà khôn ngoan quá có lẽ sẽ phá hỏng nhiều thứ đẹp :p. Anw, chúc mừng bạn đã thêm dc avatar.

      • Wow… có người đang bộc phát tính trẻ con – xem như đây là sự đáng iu có chút xấu xa. 🙂
        Nếu tình yêu là sự đau khổ triền miên hơn là hạnh phúc, sẽ chẳng ai mong cầu tiếp tục đau khổ dai dẳng. Và nếu mình đau khổ đến chai sạn mọi tế bào >> ai đó có rút lại điều mong muốn đó k? 🙂
        Mình rất mong Người xê dịch sẽ lại tìm thấy niềm tin trong tình yêu – cho dù chỉ một chút và hãy thoát khỏi cái bóng của quá khứ để tìm thấy niềm vui thật sự ở hiện tại.

      • Walter Fane cuối cùng cũng đã tìm dc tình yêu từ Kitty, mình không nghĩ đó là quá muộn, đó là hành trình có hậu của người biết tha thứ, kiên trì và hết lòng vì cuộc sống. Mình luôn có niềm tin, luôn tràn đầy tình yêu, k bao giờ sợ chai sạn, cảm ơn bạn đã quan tâm :d.

        Mình có đôi chút trẻ con thật :)). Quá khứ k bao giờ ám ảnh mình, nó là cái nguồn trải nghiệm mà mình có hứng để viết, để chia sẻ, để ai đó tìm thấy đồng cảm ở chính họ và tìm đến mình. Mình k bao giờ sống bằng quá khứ, giống như Murakami kể hàng đống chuyện về quá khứ của oogn trong tiểu thuyết của mình, nhưng chưa bao giờ mình tin ông ấy bị ám ảnh bởi quá khứ. So sánh thì khập khiễng, chỉ để bạn hiểu thêm. anw, nice week bạn.

  2. Em cảm ơn anh vì câu trả lời, em rất vui. 🙂

    “Câu hỏi về Walter Fane và về stt trên ask của bạn nào đó mình sẽ trả lời bằng 1 bài viết trên blog, vì nó đúng với 1 chủ đề mình định viết.”

  3. – Phong nền màu xanh ổn.
    – Bố cục thì hơi có chút rối và cách phối màu thì cảm thấy chưa thật sự là đẹp.
    – Mục “Nhận Bài Mới Qua Email” nên để ngay phần trên chứ không nên để dưới cùng. 🙂
    – Mình thấy thế này: Thay vì trang có tới hai thanh công cụ thì chỉ cần một thôi.
    + Mục Tôi là ai?: có thể thêm phần Cuộc sống quanh tôi >> trong đây chỉ để hình ảnh kèm với STT
    + Mục Sách hay mới đọc >> chuyển thành “Sách hay”
    +Mục Nghiện Phim: Mình rê chuột vào >> thấy ngay các mục nhỏ: Film review, Hollywood movies, Europe Moives & Asian Movie.
    + Mục Bên Tách Cafe Lọ mọ, gồm: Lơ lửng, Thơ & Âm nhạc.

    Mình góp ý là vậy chứ đây là Blog của người xê dịch mà. nên quan trọng là người xê dịch thích sắp xếp như thế nào. 🙂

Leave a comment